LỜI NÓI ĐẦU
Bộ sách Phát triển năng lực trong dạy học môn Tin học dành cho Trung học cơ sở được biên soạn nhằm đáp ứng việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tại Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 03/10/2017.
Nội dung của sách đảm bảo đúng chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình môn Tin học hiện hành, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trong bộ sách, mỗi bài học được thiết kế gồm các hoạt động học, theo đó học sinh tự giải quyết các nhiệm vụ học tập và giáo viên đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ việc tự học của học sinh. Ở mỗi hoạt động học, học sinh được khơi gợi hứng thú học tập, phát huy tính tích cực, chủ động bằng sự đa dạng của nhiệm vụ học tập, bằng sự kết hợp linh hoạt, phong phú của phương pháp, cách tổ chức học tập và thông qua việc liên hệ, vận dụng kiến thức, kĩ năng vào các tình huống thực tiễn, liên môn, tích hợp.
Mục tiêu của bài học được mô tả bằng các hành vi, mức độ biểu hiện của năng lực có thể kiểm chứng được (viết được gì? nói được gì? làm được gì? chế tạo được gì?). Ở mỗi hoạt động học, kết quả học tập của học sinh được thể hiện bằng những sản phẩm học tập cụ thể như điền khuyết, ghép nối, sắp xếp theo thứ tự, lựa chọn phương án đúng, vẽ sơ đồ, nhận xét, bảo vệ ý kiến,... Qua đó học sinh có thể tự đối chiếu, đánh giá mức độ đáp ứng mục tiêu bài học của bản thân và giúp giáo viên dễ dàng kiểm soát được quá trình học, kết quả học tập của học sinh.
Nội dung phần mở rộng ở cuối bài chủ yếu để bổ sung kiến thức, kĩ năng, nâng cao năng lực, phẩm chất gắn liền với nội dung bài học. Trong tiết học, sau khi đã hoàn thành các nhiệm vụ học tập đáp ứng yêu cầu chuẩn kiến thức, kĩ năng của bài học, nếu còn thời gian, học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập trong phần hoạt động mở rộng trên lớp. Nếu không còn thời gian trên lớp, nội dung của phần này có thể được học sinh làm việc ở nhà như là những dự án học tập theo nhóm hoặc cá nhân.
Các hình ảnh trong sách được sử dụng không chỉ để minh hoạ cho nội dung học tập mà còn là một phần quan trọng của nội dung bài học. Học sinh cần quan sát, so sánh, phân tích, đọc nội dung của hình ảnh để hoàn thành các hoạt động học. Kĩ năng học sinh có được thông qua quá trình làm việc với kênh hình là yếu tố quan trọng để học sinh phát triển năng lực tự tìm hiểu, khám phá phần mềm máy tính trong môn Tin học.
Trong bộ sách, các chữ số đặt trong vòng tròn được dành riêng và thống nhất sử dụng để đánh số thứ tự các thao tác, công việc cần được thực hiện theo trình tự (ví dụ như các bước thực hiện sao chép văn bản). Cách trình bày này giúp học sinh dễ dàng nhận biết lôgic của nội dung học tập và đặc biệt thuận lợi cho việc đối chiếu, tra cứu khi thực hành trên máy tính.
Bộ sách là sự cụ thể hoá việc thực hiện chuyển từ dạy học với chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực.
Mặc dù đã rất cố gắng, song bộ sách chắc chắn không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót. Các tác giả mong nhận được ý kiến đóng góp của các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh và của các độc giả.