Ai Là Thầy Thuốc Tốt Nhất Của Bạn
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Anh Tú
Giá: 69.000đ
Số trang: 144 trang
Khổ: 13 x19 cm
NXB Lao Động
Chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Anh Tú, tác giả của cuốn sách “Ai là thầy thuốc tốt nhất của bạn – Có thể bạn sẽ giật mình khi biết sự thật”.
“Năm 1948, Tổ chức Y tế Thế giới có định nghĩa: “Sức khỏe là một trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không chỉ là không có bệnh hoặc ốm yếu”.
Chúng ta ai cũng mong mình có sức khỏe và trong những lời chúc nhau đầu năm, lời chúc sức khỏe luôn là lời chúc đầu tiên.
Khi bị bệnh tất nhiên chúng ta thường đi gặp bác sỹ. Nhưng câu hỏi đặt ra là chúng ta đã thực sự quý trọng sức khỏe của mình chưa? Và làm thế nào để có sức khỏe tốt, để chúng ta ít phải tới gặp bác sỹ?
Trong quãng thời gian hơn 20 năm làm bác sỹ, được khám và tư vấn sức khỏe cho nhiều đối tượng: từ người cao tuổi, người khuyết tật, bệnh nhân nằm viện tới những người được coi là “khỏe mạnh”; cùng với khoảng thời gian giảng dạy về Y tế Công cộng đã cho tôi có cái nhìn toàn diện hơn về bệnh tật, phòng bệnh, phục hồi chức năng, về sức khỏe và nâng cao sức khỏe.
Từ trải nghiệm của bản thân về sức khỏe, từ những quan sát khi hành nghề và từ kiến thức đã tích lũy cũng như tự học, tôi rút ra kết luận: Mỗi người chúng ta chính là thầy thuốc tốt nhất của mình, và tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân mình là điều quan trọng nhất.
Vậy làm thế nào chúng ta có thể tự chăm sóc sức khỏe cho mình? Có ba điều nhất thiết phải có là ý thức của bản thân, kiến thức đúng và cam kết thực hiện mỗi ngày.
Cuốn sách nhỏ này có thể là sự khởi đầu, bạn đọc sẽ tìm thấy trong tám phần của cuốn sách là tám “thầy thuốc” giúp ta khỏe mạnh, đó là: 1) dinh dưỡng hợp lý, 2) vận động, 3) nước, 4) ánh nắng mặt trời, 5) điều độ trong sinh hoạt và tiêu thụ, 6) không khí, 7) giấc ngủ và nghỉ ngơi, 8) sự bình an và hạnh phúc. Nói cách khác, tám thầy thuốc này chính là lối sống mang lại sức khỏe mà mỗi chúng ta có thể thực hiện mỗi ngày.
Mỗi suy nghĩ, lời nói và hành động đúng dù nhỏ đến đâu nhưng nếu được thực hành thường xuyên, liên tục thì sẽ mang lại kết quả vô cùng to lớn.
Hy vọng chúng ta sẽ là những người bạn đồng hành trên con đường sức khỏe, bình an và hạnh phúc. Thông tin xin gửi Email: nguyenxtus@gmail.com hoặc Facebook: tu.nguyenanh.526.”
MỤC LỤC:
Lời giới thiệu
Lời nói đầu
Thầy thuốc thứ nhất
DINH DƯỠNG
Thầy thuốc thứ hai
VẬN ĐỘNG
Thầy thuốc thứ ba
NƯỚC
Thầy thuốc thứ tư
ÁNH NẮNG MẶT TRỜI
Thầy thuốc thứ năm
ĐIỀU ĐỘ
Thầy thuốc thứ sáu
KHÔNG KHÍ
Thầy thuốc thứ bảy
NGỦ VÀ NGHỈ NGƠI
Thầy thuốc thứ tám
SỰ BÌNH AN VÀ HẠNH PHÚC
Thay lời kết
Tài liệu tham khảo
Phản hồi của độc giả
TRÍCH ĐOẠN SÁCH:
THẦY THUỐC THỨ HAI – VẬN ĐỘNG
Trong phần này, chúng ta cùng nhau trò chuyện về: vận động qua các giai đoạn cuộc đời, lợi ích của vận động, các khái niệm về vận động, mức độ vận động và lưu ý của Tổ chức Y tế Thế giới. Ở đây, khái niệm vận động có thể hiểu là hoạt động thể chất.
1. Vận động qua các giai đoạn cuộc đời
a. Giai đoạn bào thai
Mẹ vận động sẽ tốt cho tim thai, góp phần kiểm soát cân nặng khi sinh, qua đó hạn chế béo phì ở trẻ em.
b. Trẻ sau khi sinh Trẻ sẽ tự vận động (hay còn gọi là vận động liệu pháp tự nhiên).
c. Người lớn Thực hiện các hoạt động thể chất hàng ngày tại nhà, tại nơi làm việc, vui chơi, hoạt động cộng đồng.
2. Lợi ích của hoạt động thể chất
Theo Tổ chức Y tế Thế giới:
Ít hoạt động thể chất hiện được xác định là yếu tố nguy cơ thứ tư gây tử vong toàn cầu.
Tình trạng thiếu hoạt động thể chất đang tăng lên ở nhiều nước với những tác động lớn đến sự phát triển của các bệnh không lây nhiễm và sức khỏe nói chung của người dân trên toàn thế giới.
a. Lợi ích chung
– Phát triển và duy trì hệ cơ, xương, khớp khỏe mạnh.
– Phát triển và duy trì hệ tim mạch, hô hấp khỏe mạnh.
– Duy trì cân nặng, thành phần cấu trúc cơ thể ở mức hợp lý.
b. Ở trẻ nhỏ, thanh thiếu niên
– Tăng cường phối hợp và kiểm soát chuyển động.
– Hỗ trợ sự phát triển về mặt xã hội của thanh niên: thể hiện bản thân, xây dựng sự tự tin, giao tiếp xã hội và hòa nhập.
– Tăng chỉ số thông minh (IQ) ở trẻ em, cải thiện thành tích học tập.
– Cải thiện khả năng kiểm soát các triệu chứng lo âu và trầm cảm.
– Giúp tránh sử dụng thuốc lá, rượu và ma túy.
c. Với người lớn và người cao tuổi
– Giảm tỷ lệ tử vong do các nguyên nhân: bệnh tim, mạch vành, tăng huyết áp, đột quỵ, bệnh tiểu đường típ 2, hội chứng chuyển hóa, ung thư ruột kết, ung thư vú, trầm cảm.
– Giảm nguy cơ bị ngã, giảm nguy cơ bị gãy xương, cải thiện chức năng nhận thức.
– Cải thiện tình trạng đau cơ, giảm viêm khớp; hỗ trợ điều trị các hội chứng đau mạn tính.
– Cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng tuổi thọ.
Cụ thể, Theo Đại học Y học Thể thao Hoa Kỳ, hoạt động thể chất thường xuyên có thể:
– Giảm 60% nguy cơ ung thư đại tràng hơn, giảm 50% tỷ lệ tử vong và nguy cơ tái phát ung thư vú. Giảm 40% tỷ lệ mắc bệnh tim và tăng huyết áp, giảm 27% nguy cơ đột quỵ, giảm 58% nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường típ 2. Giảm 40% nguy cơ phát triển sa sút trí tuệ. Giảm trầm cảm hiệu quả như thuốc chống trầm cảm Prozac.
– Người có sức mạnh cơ bắp tốt có nguy cơ tử vong thấp hơn 20%, nguy cơ tử vong do ung thư thấp hơn 33% so với người yếu hơn.
– Có hiệu quả gấp đôi trong việc điều trị bệnh tiểu đường típ 2 so với đơn thuốc insulin tiêu chuẩn và có thể tiết kiệm 2.250 đô la cho mỗi người/năm khi so sánh với chi phí điều trị bằng thuốc tiêu chuẩn.
– Thiếu vận động là yếu tố nguy cơ tử vong lớn hơn so với béo phì mức độ nhẹ hoặc trung bình.
– Hoạt động thể chất thường xuyên đã được chứng minh là làm tăng kết quả học tập ở thanh thiếu niên.
– Trong môi trường tiểu học, hoạt động thể chất thường xuyên có thể làm giảm 59% các vụ kỷ luật liên quan đến bạo lực học đường.
[…]