LỜI NÓI ĐẦU
Ngày 03 tháng 10 năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH, hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 - 2018.
Trên tinh thần này, bộ sách Phát triển nâng lực trong môn Sinh học là sự cụ thể hoá các bước xây dựng các bài học trong môn Sinh học theo hướng tăng cường và phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện cả trong lớp học và ngoài lớp học.
Đặc biệt, bộ sách chú trọng đến các hoạt động giúp học sinh rèn luyện phương pháp tự học, tự nghiên cứu dựa trên các nội dung trong Chương trình Sinh học THCS để học sinh tiếp nhận, vận dụng kiến thức thông qua giải quyết các nhiệm vụ học tập đặt ra trong từng bài học đồng thời đảm bảo cho học sinh được dành nhiều thời gian trên lớp để thực nghiệm, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình thông qua các bước hướng dẫn thực nghiệm, các dự án học tập gắn với thực tiễn cuộc sống của học sinh.
Xuyên suốt các bài học trong cuốn sách đều được thiết kế theo tiến trình tổ chức hoạt động nhận thức tích cực, tự chủ của học sinh dựa trên các dạng hoạt động học tập đặc thù trong môn Sinh học mang tính trải nghiệm: quan sát mẫu vật thật, quan sát trên mô hình, tổng hợp, tìm tòi, khám phá, thảo luận, rèn luyện các kĩ năng phù hợp với các hoạt động dạy học theo chủ đề.
Các bài học đều mang tính tích hợp, liên môn và góp phần giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Các hoạt động học tập trong các bài đều rất đa dạng, phong phú được đánh số liên tục từ đầu bài học. Từng hoạt động học được thiết kế rõ ràng theo con đường hình thành kiến thức, định hướng sản phẩm để phát triển năng lực chung và đặc thù trong môn Sinh học cho học sinh.
Cấu trúc của bài học bao gồm 3 phần:
- Phần đầu gồm:
+ Mục tiêu học sinh cần đạt để phát triển năng lực, được phát biểu theo các chỉ số hành vi, mức độ biểu hiện của năng lực thành phần mong muốn phát triển ở học sinh. Phần này được nêu cụ thể, chi tiết để học sinh có thể tự định hướng kiểm tra kết quả học tập đạt được khi tự học theo sách và làm cơ sở để giáo viên đánh giá được
tiết dạy, bài giảng đã đạt hay chưa.
+ Các từ khoá thể hiện nội dung chính của bài,giúp học sinh dễ tra cứu, ghi nhớ, ôn tập các kiến thức.
- Phần Hoạt động học tập được thiết kế chi tiết đến từng hoạt động học, trong đó chỉ rõ cách thức học sinh cần thực hiện và sản phẩm học sinh cần đạt được, kiến thức học sinh cần hình thành và chiếm lĩnh. Mỗi hoạt động đều được đánh số và tăng dần mức độ nhận thức. Học sinh có thể làm việc theo nhóm hoặc làm việc cá nhân để hoàn thành các hoạt động học tập. Cách học sinh thực hiện các hoạt động học tập, giúp đỡ bạn trong quá trình học và sản phẩm đạt được của từng hoạt động học tập là cơ sở đánh giá năng lực học sinh theo mục tiêu đặt ra.
- Phần Hoạt động mở rộng giúp học sinh ôn tập, củng cố, mở rộng các kiến thức, nâng cao năng lực cho học sinh. Phần này cũng góp phần phân hoá học sinh khi những học sinh khá, giỏi có thể thực hiện được hết hoạt động trong các giờ học trên lớp hoặc học sinh có thể tự thành lập các nhóm để thực hiện những dự án học tập, nhiệm vụ học tập mở rộng ở nhà.
- Cuối một số bài có thêm phần chuẩn bị cho học sinh thực hiện các thí nghiệm hoặc thu thập mẫu vật cho tiết học mới. Cuối một số chương có phần Dự án học tập nhằm kích thích trí tò mò, sáng tạo, ham học hỏi cho học sinh.
Giáo viên có thể đánh giá năng lực học sinh qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một hoạt động, một sản phẩm, kết quả thực hành, bài thuyết trình hoặc quá trình học sinh tham gia thảo luận, hỗ trợ bạn trong nhóm học tập.
Do từng bài học được thiết kế chi tiết thành các hoạt động, nên giáo viên, phụ huynh có thể yêu cầu học sinh làm trước ở nhà để đến lớp dành thời gian trao đổi, thảo luận mở rộng, đào sâu kiến thức của phần bài tập. Qua các hoạt động học sinh thực hiện, giáo viên hoặc phụ huynh có thể xác định được những năng lực nào mà con em mình còn thiếu, còn yếu để có kế hoạch bồi dưỡng kịp thời.
Bộ sách là tài liệu để giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục so sánh, đối chiếu, đánh giá giữa cách tiếp cận nội dung và tiếp cận phát triển năng lực theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, làm cơ sở định hướng hoạt động dạy học trong nhà trường, góp phần kết nối giữa Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành với Chương trình giáo dục phổ thông mới trong cách tiếp cận dạy học phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.
Trong sách có sử dụng một số hình ảnh trên Internet, nhóm tác giả chân thành cảm ơn tác giả của những hình ảnh này.
Với mong muốn bộ sách ngày càng hoàn thiện trong những lần xuất bản tiếp theo, chúng tôi xin trân trọng đón nhận các ý kiến đóng góp cho bộ sách từ các thầy cô giáo, các em học sinh, các bậc phụ huynh và bạn đọc gần xa.