Phát Triển Năng Lực Trong Môn Ngữ Văn 9 - Tập 1
Liên hệ
LỜI NÓI ĐẦU
Ngày 03 tháng 10 năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 4612/BGDĐT – GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 – 2018.
Trên tinh thần này, việc biên soạn bộ sách Phát triển năng lực trong môn Ngữ văn cấp Trung học cơ sở là sự cụ thể hoá các bước xây dựng các bài học trong sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn cấp Trung học cơ sở theo hướng tăng cường và phát huy tính chủ động, tích cực; bồi dưỡng các năng lực: giao tiếp, thẩm mĩ, tự học, hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo,... thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để học sinh thực hiện trong không gian trong lớp/ngoài lớp học, theo hình thức cá nhân/nhóm.
Các bài học trong bộ sách đều mang tính tích hợp, liên môn và góp phần giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Các hoạt động học tập trong mỗi bài đa dạng, được đánh số thứ tự (STT) liên tục từ đầu bài học đến cuối bài học và được tổ chức theo con đường hình thành kiến thức, định hướng sản phẩm để phát triển năng lực chung và đặc thù trong môn Ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cấu trúc của bài học gồm 3 phần:
- Phần đầu gồm:
+ Mục tiêu học sinh cần đạt để phát triển năng lực được phát biểu theo các chỉ số hành vi, mức độ biểu hiện của năng lực thành phần mong muốn phát triển ở học sinh. Phần này được nêu cụ thể, chi tiết để học sinh có thể tự định hướng kiểm tra kết quả học tập đạt được khi tự học theo sách và làm cơ sở để giáo viên đánh giá được tiết dạy, bài giảng đã đạt hay chưa.
+ Các từ khoá thể hiện nội dung chính của bài, giúp học sinh dễ tra cứu, ghi nhớ, ôn tập các kiến thức.
- Phần Hoạt động học tập gồm các mục cụ thể:
+ Mục Đọc - hiểu văn bản là trọng tâm của bài học gồm hệ thống các hoạt động liên kết chặt chẽ với các văn bản trong SGK Ngữ văn. Mỗi hoạt động đều được đánh số và tăng dần mức độ nhận thức từ nhận biết, phân tích đặc điểm đến hiểu rõ nội dung, ý nghĩa của văn bản. Từ đó học sinh vận dụng để giải quyết các vấn đề trong các mục Thực hành Tiếng Việt, Thực hành làm văn và nâng cao năng lực giải quyết vấn đề, phát huy khả năng sáng tạo. Mỗi hoạt động đều có không gian/gợi ý không gian để học sinh thực hiện.
+ Mục Thực hành Tiếng Việt và Thực hành làm văn bao gồm các hoạt động học giúp học sinh thông qua việc chiếm lĩnh kiến thức Tiếng Việt và Tập làm văn hình thành các năng lực: tạo lập ngôn ngữ cho cá nhân, phản biện, giao tiếp bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ,...
- Phần Hoạt động mở rộng:
Bao gồm các mục Luyện tập, Tìm tòi/Mở rộng (xuất hiện linh hoạt tuỳ nội dung bài học cụ thể) giúp học sinh ôn tập, củng cố, mở rộng các kiến thức, nâng cao năng lực cho học sinh. Phần này cũng góp phần phân loại học sinh. Học sinh khá, giỏi có thể thực hiện hết các hoạt động trong các giờ học trên lớp hoặc học sinh có thể tự thành lập các nhóm để thực hiện những dự án học tập, nhiệm vụ học tập mở rộng ở nhà.
Do từng bài học được thiết kế chi tiết thành các hoạt động, nên giáo viên, phụ huynh có thể yêu cầu học sinh làm trước một phần ở nhà để đến lớp dành thời gian trao đổi, thảo luận mở rộng, đào sâu kiến thức về các vấn đề được đặt ra trong bài học. Qua các hoạt động học sinh thực hiện, giáo viên hoặc phụ huynh có thể xác định được những năng lực mà con em mình còn thiếu, còn yếu để có kế hoạch bồi dưỡng kịp thời.
Bộ sách là tài liệu để giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục so sánh, đối chiếu, đánh giá giữa cách tiếp cận nội dung và tiếp cận phát triển năng lực theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, làm cơ sở định hướng hoạt động dạy học trong nhà trường, góp phần kết nối giữa Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành với Chương trình giáo dục phổ thông mới trong cách tiếp cận dạy học phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.
Trong sách có sử dụng một số hình ảnh trên Internet, nhóm tác giả chân thành cảm ơn tác giả của những hình ảnh này và các cá nhân có mặt trong bức ảnh.