TRỜI VẪN NẮNG SUỐT ĐÊM
Liên hệ
TRỜI VẪN NẮNG SUỐT ĐÊM
Đêm trắng Bắc Âu mà nằm ngủ trong phòng thì phí cả một đời. Bảo nhau thế. Các nhà văn đến dự Đại hội Nhà văn Quốc tế ở khu phố cổ Stockholm. Đi. Đi nào. Từng nhóm kéo nhau ra khỏi khách sạn, xuyên từ phố Vua Kungsgatan sang phố Nữ Hoàng Drottninggatan, rồi đi dọc theo đường phố ấy sang khu Hoàng cung.
Mười giờ đêm, trời sáng như ban ngày. Nắng vàng rực rỡ. Mười hai giờ đêm trời vẫn xanh và mây vẫn trắng. Thời giờ đã chuyển sang nửa đêm về sáng, không gian vẫn sáng bừng lên, cây lá xanh tươi nhuộm trong nắng. Trên chiếc cầu phía sau Hoàng cung, đám nhà văn ngoại quốc vẫn ngồi. Rì rầm chuyện trò. Chẳng lẽ suốt đêm trời nắng mãi như thế này, không có một lúc nào nắng dịu đi, trời sầm xuống một tí để chuyển giao sang một sớm mai của ngày mới?
Chị nhớ những đêm trắng đầu tiên của mình ở xứ Bắc Âu này. Chị là nhà văn châu á, đâu đó giữa những sa mạc và vùng núi cằn khô sỏi đá, một nước cộng hòa nhưng quyền lực của giới tăng lữ ở đấy là vô hạn. Giới tăng lữ đã ra lệnh cấm cuốn tiểu thuyết của chị. Giáo chủ tuyên án tử hình, cho phép lấy đầu chị. Ai lấy đầu một nhà văn nữ? Bất cứ một tín đồ nào trong nước và ngoài nước, hành động như vậy là chứng tỏ đức tin. Nhưng mà các lực lượng thế tục ủng hộ chị. Các nước dân chủ ủng hộ chị. ủng hộ, nhưng nước này vẫn nhìn ngó nước kia xem ai hành động. Mà các cuộc biểu tình bao vây nhà chị cứ tiếp diễn. Giờ thì người ta ném đá vỡ cửa kính, chất đầy bao cát quanh nhà chị như lập công sự vây người bên trong, còn ngày mai chẳng biết kẻ nào sẽ dùng dao dùng súng. Đúng lúc ấy thì đất nước Bắc Âu xa xôi chìa tay ra đỡ. Quyền cư trú được cấp. Nhanh. Kịp thời. Chị đi ra sân bay như buổi sáng đi đến công sở. Buổi sáng còn ở quê hương, buổi tối đã là công dân Thụy Điển. Hôm trước còn có người yêu, hôm sau đã một mình đơn độc.
Chúng tôi tản bộ trên chiếc cầu phía sau Hoàng cung, nhìn sang nhà hát thành phố rực rỡ trong ánh nắng lúc nửa đêm. Chị kể chuyện tôi nghe. Thực ra chuyện của chị thì báo chí thế giới đã ồn ã vài chục năm rồi. Đã nghe, đã biết, nhưng lúc mới gặp mặt, tôi có hơi sững người. Chị bảo chị là người Thụy Điển. Người Thụy Điển mà vẫn tóc đen da nâu. Hơi lạ. Cũng lạ như khi gặp người da đen da vàng bảo rằng họ là người Hà Lan người Pháp. Cái lạ sinh ra từ làn sóng nhập cư ồ ạt vào châu Âu mấy chục năm qua. Châu Âu đã thuộc địa hóa theo chiều ngược lại. Đời sống xã hội văn hóa cũng dần dần đậm tính da màu. Cũng đã nảy sinh bao nhiêu thói quen mới tập tục mới, những thứ vốn không phải châu Âu.
Như thế, chị đã thành người châu Âu. Chị không hề ngờ rằng khi viết một cuốn tiểu thuyết, mình coi như đã bắt đầu một cuộc sống tha hương, coi như bắt đầu nộp đơn để nhận quốc tịch châu Âu. Chị viết gì trong ấy? Vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh cho nữ quyền mà một nữ luật sư thường làm ở ngoài đời. Bấy lâu chị vẫn thỉnh thoảng nhận cãi miễn phí cho những người phụ nữ thiệt thòi. Chị kể câu chuyện của những thiếu nữ nhà quê, ngay từ bé đã bị cắt âm vật theo tập quán tôn giáo. Phụ nữ là công dân loại hai. Phụ nữ là ô uế, và trạng thái cực cảm của họ là nỗi ô nhục cần phải xóa bỏ. Vậy. Phụ nữ chỉ là đồ vật trong gia đình, là cái máy đẻ cho chồng. Họ không có quyền đạt đến cực cảm. Thực tế là như vậy, nhưng ai cho phép một nhà văn, lại là nữ nhà văn, được viết như vậy. Là nhà văn, là luật sư thì cũng chỉ là đàn bà. Công dân loại hai. Công dân loại hai báng bổ quyền lực của chúa trời thì công dân loại hai phải mất mạng.
Hồ Anh Thái
(Trích truyện ngắn “Trời vẫn nắng suốt đêm”)