• LÀNG QUÊ ĐANG BIẾN MẤT

LÀNG QUÊ ĐANG BIẾN MẤT

Hết hàng
Mã sản phẩm: 8935235201996
Tác giả : Tạ Duy Anh
NXB : Hội nhà văn
Số trang : 344
Kích thước : 14 x 20.5cm

Liên hệ

LÀNG QUÊ ĐANG BIẾN MẤT

"Nói một cách dễ hiểu nhất thì chúng ta đang cùng nhau đồng loạt bỏ mặc cho làng quê yêu dấu biến mất, với một sự vô cảm đáng sợ. Và như vậy cũng sẽ biến mất phần không gian đặc sắc nhất của văn hóa Việt.”

-------------------------------------
“Làng quê đang biến mất?” và nỗi trăn trở của Tạ Duy Anh

“Làng quê đang biến mất?” là tâm huyết của một nhà văn trước những vấn đề gây nhức nhối cho xã hội, đang tồn tại trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống, được phát tiết qua góc nhìn văn hóa.

Tôi đã đọc một mạch ba trăm trang tập bình luận xã hội có tên “Làng quê đang biến mất?” của nhà văn Tạ Duy Anh (NXB Hội Nhà văn - 2014). Và cảm giác đầu tiên của tôi khi dừng lại ở dòng cuối cùng là thương ông.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có câu: “Đàn ông thằng nào có tâm thì nhục”. Nghĩa là thằng nào có tâm thì thằng ấy cứ tự gánh nỗi khổ nhục chung thân bởi sự đau đớn, trăn trở, dằn vặt của mình trước những vấn đề của cõi nhân sinh.

Họ Tạ đã đau đớn, đã trăn trở, đã dằn vặt trong khi mà sự vô tâm (vô cảm) như một bệnh dịch đang lan tràn với tốc độ của một cỗ xe xuống dốc không phanh trong xã hội: Thầy thuốc vô cảm trước nỗi đau và sự tuyệt vọng của bệnh nhân nghèo. Công an vô cảm trước đơn kêu cứu của cặp vợ chồng có con bị bắt cóc. Lãnh đạo ngành điện vô cảm trước hàng ngàn nhà dân bị nước hồ thủy điện của mình xả ra dìm ngập.

Người đứng đầu ngành có mặt ở một địa phương vừa có 3 cháu bé chết tức tưởi do nhân viên của mình gây ra nhưng không đến thắp cho các cháu một nén nhang… Vì vậy mà nỗi khổ nhục của ông càng lớn hơn. Tôi thương ông là vì thế.

“Làng quê đang biến mất?” là tâm huyết của một nhà văn trước những vấn đề gây nhức nhối cho xã hội, đang tồn tại trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống, được phát tiết qua góc nhìn văn hóa. Môi trường văn hóa nào thì sẽ sinh ra nhân cách ấy. Lẽ đời vốn vậy.

Soi rọi từ góc nhìn này, tác giả đã phơi bày cho người đọc thấy rằng môi trường văn hóa của chúng ta hiện đã bị ô nhiễm, bị hủy hoại vô cùng nặng nề. Và chính từ đó mà hàng loạt những hiện tượng quái dị được sinh ra, trong đó thói vô cảm vừa dẫn ở trên chỉ là một.

Không chỉ thói vô cảm, mà xã hội hiện nay còn đang phải đối mặt với rất nhiều nan đề khác, khi mà những thảo thơm, vị tha, nhân hậu, trung thực…, những nét đẹp nhất của nhân cách Việt, được xây dựng và vun đắp qua ngàn đời trong cái nôi văn hóa Việt, đang bị dồn ép, bị truy sát đến cùng bởi những tham lam, ích kỷ, hung bạo, giả dối… Tất cả được phơi bày trên từng trang sách bởi một bút lực mạnh mẽ và một lối hành văn sắc sảo, lôi cuốn.

Tuy nhiên, nếu những người viết khác chỉ phơi bày hiện tượng để giải tỏa nỗi bức xúc của mình, thì trong “Làng quê đang biến mất?”, Tạ Duy Anh không dừng ở đó, mà ông đi sâu, phân tích đến “cùng kỳ lý” từng vấn đề, để rồi cuối cùng chỉ rõ cái căn nguyên đích thực của nó.

Đành rằng tất cả đều có nguyên nhân chung từ sự ô nhiễm, bị hủy hoại của môi trường văn hóa, nhưng biểu hiện và mức độ của nó trong từng vấn đề thì lại muôn hình muôn vẻ. Tất cả những bài viết - cũng là tất cả những vấn đề, trong cuốn sách đều được trình bày theo nguyên tắc ấy.

Không thể dẫn hết trong bài báo nhỏ này, tôi chỉ xin điểm một vấn đề, mà tác giả nêu trong tác phẩm. Trước tin nhiều “cẩu tặc” bị người dân đánh “hội đồng” đến chết.

Nếu số đông chỉ lướt qua như một thông tin giật gân, thì với tác giả, hàng loạt câu hỏi đã được ông đặt ra: Mạng một con chó, dù là loại chó cực quý có giá vài ba trăm triệu đi chăng nữa, cũng làm sao có thể so với mạng sống của một con người, dù người đó là kẻ trộm?

Nhưng vì sao những người vẫn được gọi là “đồng bào” với nhau, lại coi mạng một vài con chó ngang với một mạng người, để rồi ra tay vô cùng hung bạo, dẫn đến cái chết cho họ? Những “đồng bào” ấy đã trở nên hung bạo từ bao giờ? Và vì sao họ trở nên hung bạo?

Sau những câu hỏi đó, nhà văn đã tham chiếu dưới nhiều góc nhìn, nhiều thước đo khác nhau, để rồi cuối cùng căn nguyên đích thực của hiện tượng đó được ông lôi ra. Thì ra thói bạo lực của cộng đồng không tự nhiên sinh ra, mà nó chính là “Hệ quả của quá trình phát triển có quá nhiều chuẩn mực bị lệch hoặc bị bỏ qua.

Nhưng có lẽ nguy hiểm nhất là thói giả dối đang tràn ngập và được đề cao trên thực tế trong xã hội của chúng ta ngày nay. Muốn tiến thân thì phải biết nói dối. Nói dối càng hoàn hảo thì càng được trọng dụng. Thế là người ta thi nhau học cách nói dối. Khi cả xã hội phải tìm cách nói dối, tất yếu nó đẩy sự trung thực, tình thương người, lòng vị tha, tính tự trọng, thói quen chấp pháp… bật ra ngoài.

Thêm vào đó còn có nguyên nhân là xã hội đang mất lòng tin trong khi pháp luật đang bị lợi dụng để làm bình phong cho những hành động phi pháp của những người có tiền, có thế lực. Người ta không tin có thể nhờ cậy pháp luật, không tin nó được áp dụng vô tư, công bằng, nhanh chóng.

Họ tự giải quyết lấy những công việc đáng ra chỉ pháp luật mới được phép can thiệp. Nhiều người tìm thấy ở những dịp như vậy cơ hội để giải tỏa, trút bỏ vô vàn bức xúc, những bức xúc tích tụ lâu ngày, chưa biết làm cách nào cho nó tan đi”.

Chỉ ra được căn nguyên của những tiêu cực đang tồn tại trong xã hội, cũng có nghĩa là đã chỉ ra được biện pháp khắc phục chúng. Nhưng, ai là người đứng ra khắc phục bây giờ?

Vũ Hữu Sự

Theo Nongnghiep.vn

Sản phẩm bán chạy

Vui lòng chờ trong giây lát...
Đã thêm vào giỏ hàng