GIÔNG TỐ
Liên hệ
Những số phận thay đổi, những tính cách chuyển biến, đột ngột quá, đảo ngược quá, khiến các nhân vật cũng phải thay đổi thái độ với nhau một cách thật mau lẹ, như là quay 180o. Những cuộc sắp xếp lại các quan hệ một cách hấp tấp, vội vã như thế đã làm cho nhiều nhân vật giẫm đạp vào nhau, chơi xỏ nhau, tạo thành những màn đại hài kịch để tô rất đậm sự thối nát, sự chó đểu của những con người tráo trở, đổi trắng thay đen... Tóm lại xã hội Giông tố bày ra đủ cảnh tượng đảo điên, láo nháo, quay cuồng như đèn cù, như trong một cơn lốc mãnh liệt, một trận giông tố. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả đã đặt tên cho tác phẩm của mình là Giông tố. Cuốn tiểu thuyết lần đầu đăng trên Hà Nội báo từ số 1 (2-1-1936) với tên Giông tố, đến hết chương X thì bỗng dừng lại 7 tuần lễ. Nghe nói tờ báo đăng tải tác phẩm đã bị lôi thôi vì đụng đến một vị tai to mặt lớn đương thời. Khi tác phẩm đăng tiếp thì phải đổi tên thành Thị Mịch.
Như thế là tác giả ngay từ đầu đã cho tác phẩm của mình cái tên Giông tố. Một cái tên rất đúng với tinh thần của tác phẩm. Giông tố. Vâng, xã hội Việt Nam được phản ánh trong cuốn tiểu thuyết là một xã hội trong cơn giông tố. Nó làm đảo lộn tất cả, làm tanh bành tất cả và lật tẩy tất cả mọi thứ mặt nạ đắp điếm lên một cái thực chất bất công, tàn ác, đểu giả, thối nát, hết sức vô nghĩa lý của xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc.
VŨ TRỌNG PHỤNG